This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Sữa mẹ giúp phát triển não bộ trẻ sơ sinh đẻ non

Theo kết quả nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hội Hàn lâm Nhi khoa ở Baltimore-Mỹ và được công bố trên trang web Eurekarlet cho thấy những trẻ sơ sinh đẻ non trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ có ít nhất 50% sữa mẹ sẽ giúp não phát triển tốt hơn so với trẻ đẻ non khác.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Washington-Mỹ đã theo dõi 77 trẻ đẻ non trong năm đầu tiên của trẻ để theo dõi trẻ phát triển như thế nào nhất là phát triển vận động, nhận thức, giao tiếp thông qua chụp IRM não (Imagerie par résonance magnétique- kỹ thuật chụp cộng hưởng từ ). Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích xem sữa mẹ có hay không đến sự phát triển não bộ của trẻ. Họ đã nhận thấy rằng ở những trẻ đẻ non mà trong khẩu phần ăn hàng ngày có ít nhất 50% sữa mẹ có sự phát triển mô não, vỏ não hơn những trẻ đẻ non ít hoặc không bú sữa mẹ nếu so sánh cùng lứa tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy sữa mẹ góp phần cải thiện chức năng nhận thức nhờ vào sự phát triển của não bộ.

Sua-me-giup-phat-trien-nao-bo-tre-so-sinh-de-non

Theo Cynthia Rogers Giáo sư về Tâm thần học tại Bệnh viện St. Louis giải thích “Nói chung não bộ ở trẻ đẻ non không được phát triển đầy đủ, hoàn chỉnh”. Nhờ kỹ thuật IRM các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những trẻ sơ sinh được bú nhiều sữa mẹ giúp phát triển não bộ. Điều này là quan trọng vì nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa khối lượng não và phát triển nhận thức.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sữa mẹ giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, các bệnh viêm phổi, tiêu chảy… do trong sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng và các kháng thể.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có những nghiên cứu tiếp tục trong nhiều năm vì não bộ sẽ phát triển hoàn thiện đến năm 20 tuổi. Sự theo dõi trong thời gian dài cho phép nghiên cứu những phát triển về vận động, nhận thức và giao tiếp xã hội ở những trẻ này. Ngoài ra cần có các nghiên cứu bổ sung để biết những tác dụng này có tương tự như trẻ sinh đủ tháng.

Nuôi con bằng sữa mẹ trong những năm đầu đời luôn là quãng thời gian tràn ngập tình yêu thương và rất nhiều kỷ niệm đẹp giữa mẹ và bé!

Bs Ái Thủy

(theo Top Sante)

Ối nhiều tốt hay xấu?

Trên đời này, cái gì “quá” đều không tốt! Ví dụ, trở lại câu chuyện nước ối, kỳ trước trên SK&ĐS số 113 ra ngày 15/7/2016 bạn đã đọc bài “Băn khoăn... ối ít” rồi và đã hiểu, còn lỡ quá nhiều thì sao?...

Khi thể tích nước ối trên 2.000ml, bạn được xếp vào hàng “khá giả” - dư ối, hạn hữu, trên 3.000ml, bạn được gọi là “khá bất thường” - đa ối. Cứ 1.000 bà mẹ mang thai, có 10 người dư ối, trong số 10 người đó, có 8 người chỉ tăng mức độ nhẹ, 1,5 người (tại con số thống kê nó vậy chứ không có tình trạng 1 người mà nửa bình thường - nửa bất thường nhá) tăng trung bình và 0,5 người tăng quá nhiều (mức độ nặng).

Nước ối từ đâu mà ra?

Trong nửa đầu thai kỳ, nước ối được tạo thành từ da thai nhi và một phần từ máu mẹ. Nguồn quan trọng hơn là từ chính em bé, khoảng sau tuần thứ 20 trở đi. Lúc này, bé biết nuốt, biết đi tiểu và những hoạt động này giúp điều hòa nước ối. Nghe ghê thiệt, vừa tự tiểu, vừa tự uống trong một cái “bể bơi cá nhân” - nhưng không sao đâu, tại cái bể này được bao bọc và bảo vệ bởi màng ối nên không có con vi trùng nào chui vào, nước đảm bảo “vô trùng và ngon lành”. Nếu cái quy trình tự điều hòa này hỏng hóc đâu đó, ví dụ như không nuốt mà tiểu nhiều, thì dư. Chỉ riêng trường hợp mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường kèm theo đa ối là khó giải thích. Dễ hiểu nhất là mẹ đường huyết tăng cao làm đường trong máu con cũng tăng, khi đường máu tăng người ta đi tiểu nhiều, nên nước ối cũng nhiều. Nghe nó “đơn sơ” vậy đó mà thật sự là vậy.

nhieu oiSiêu âm để phát hiện những bất thường về nước ối khi mang thai.

Làm sao biết mình bị nhiều nước ối quá?

Dễ thấy nhất là bụng quá to so với những thai phụ cùng tuổi thai. Không tính những bà mẹ chưa đọc bài dinh dưỡng trong thai kỳ, ráng ăn cho thiệt nhiều làm tăng cân quá mức, nếu thấy bụng to nhanh, khó thở... thì nên kiểm tra ối. Trong một số trường hợp nặng, bà mẹ nhiều khi phải nằm đầu cao hay phải ngồi mới ngủ được. Lúc này nên gặp bác sĩ khám thai sớm rồi! Thông tin này bổ sung không mang ý hù dọa, nhưng cũng có trường hợp được báo cáo là vỡ tử cung do đa ối nặng - cực hiếm. Nếu có nguy cơ nào đi kèm như đa thai, từng mổ trên tử cung... bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình về lịch theo dõi thai định kỳ cũng như dự phòng khả năng mổ lấy thai sớm.

Làm sao để chẩn đoán?

Đo ối bằng siêu âm (cách đo AFI). Còn nếu nhiều ối mà chưa thấy bác sĩ khám thai tầm soát tiểu đường thì tham vấn thêm ý kiến bác sĩ. Thật ra thì tầm soát tiểu đường là việc nên làm nhưng không phải bắt buộc. Tìm hiểu thông tin là tốt, tuy nhiên y khoa không có gì tuyệt đối. Hôm nay, phương pháp điều trị đó còn được xem là “đầu tay” thì ngày mai nó thành “cuối tay” là bình thường. Vì vậy, mình không hề khuyến khích bạn phải thế này - phải thế kia, làm bác sĩ đang khám cho mình “bối rối”. Khi mình bị bối rối vì bệnh nhân hỏi sao không làm giống bác sĩ này, bác sĩ nọ, mình buồn mất mấy ngày. Nhiều khi không giải thích được đâu! Nên nhớ nhé, “hỏi ý kiến” thôi nhé.

Thai bị ảnh hưởng như thế nào khi nhiều nước ối?

Về phía thai: nguy cơ thai bất thường nhiễm sắc thể, nhau bong non, tăng hồng cầu...

Về phía mẹ: tiểu đường thai kỳ, băng huyết sau sinh, đi tiểu nhiều lần (do tử cung to quá chèn ép bàng quang)... Hai yếu tố ngại nhất là phải mổ lấy thai và mẹ bị tiểu đường.

Điều trị như thế nào?

Rất may là hầu hết những trường hợp tăng mức độ nhẹ và trung bình thì không cần điều trị. Nếu có ối vỡ thì tùy tuổi thai và tình trạng thai bác sĩ sẽ chọn mổ lấy thai hay theo dõi cho bạn sinh tự nhiên. Những phương pháp như nằm nghỉ tuyệt đối, sử dụng thuốc lợi tiểu, giảm muối trong chế độ ăn hoàn toàn không có hiệu quả điều trị tin cậy.

Nếu khó thở nhiều, đau bụng, bạn đến bệnh viện ngay để được theo dõi.

Chọc ối: để điều trị những trường hợp nặng. Dùng kim chọc xuyên qua bụng để rút bớt ối. Kỹ thuật này thực hiện tại bệnh viện.

Điều trị bằng thuốc: thuốc tên là indomethacin. Cách dùng và liều dùng: để dành cho bác sĩ. Nếu bạn quan tâm, mình sẽ trả lời riêng. Lý do: không muốn để bệnh nhân của mình loạn thông tin.

Chúc bạn một ngày “vừa đủ” - vừa đủ vui, vừa đủ yên bình!

BS. Lê Tiểu My

((Bệnh viện Mỹ Đức))

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC)được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap) ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể. Nếu được điều trị, tỷ lệ sống trên 5 năm của UTCTC là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80% đến 90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50% đến 65% cho giai đoạn 2. Chỉ có 25% đến 35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây bệnh UTCTC. Bệnh không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 - 15 năm.

Có sự liên hệ chặt chẽ giữa ung thư cổ tử cung và hoạt động tình dục không an toàn, hiếm thấy UTCTC ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục. Ung thư cổ tử cung có thể phát triển ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên các đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn: giao hợp sớm trước 17 tuổi, giao hợp với nhiều người, và giao hợp với người có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ; sinh con khi dưới 17 tuổi (ở độ tuổi này, do cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện và thiếu hiểu biết kiến thức vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách nên rất dễ bị các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục và là tác nhân dễ phát triển mầm mống ung thư); quan hệ tình dục không lành mạnh (virus HPV lây lan qua con đường tình dục nên những người có lối sống không lành mạnh trong vấn đề tình dục thường rất dễ mang mầm mống virus HPV); hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích (là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có UTCTC); người có hệ miễn dịch yếu; con gái của những phụ nữ điều trị bằng DES (Diethylstilbestrol) trong thời kỳ mang thai, thuốc này được dùng chống sảy thai; người có gia đình tiền sử mắc bệnh UTCTC rất dễ mắc phải bệnh này cao hơn những người khác.

Các giai đoạn phát triển ung thư cổ tử cung

Làm thế nào để phát hiện sớm?

Để phát hiện sớm UTCTC, điều quan trọng nhất là phải khám phụ khoa định kỳ để tầm soát UTCTC với các phương pháp sau:

Test PAP là một xét nghiệm rất đơn giản, lấy tế bào bong của cổ tử cung, tiến hành nhuộm rồi soi bằng kính hiển vi để tìm các tế bào tổn thương ở các mức độ như bình thường, loạn sản, tiền ung thư, ung thư… Khi test PAP bình thường, có nghĩa là chưa bị UTCTC. Khi test PAP bất thường, có thể bị viêm hoặc ung thư, khi đó phải soi hoặc/và sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán mô bệnh học. Diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần 10-15 năm và test PAP có thể âm tính giả nên người phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm test PAP thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Sau 3 năm nếu kếu quả đều âm tính thì làm test 2 năm 1 lần cho tới tuổi 60.

ThinPrep Pap Test được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận đưa vào sử dụng từ tháng 05/1996. ThinPrep Pap Test là bước cải tiến kỹ thuật của phương pháp Pap smear truyền thống, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện. Tại Việt Nam, ThinPrep Pap Tets cũng đã được triển khai rộng khắp các bệnh viện trong cả nước như: Bệnh viện Phụ Sản TW, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng…

Soi cổ tử cung là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm UTCTC.

Sinh thiết cổ tử cung là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả. Người ta tiến hành bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.

Những triệu chứng của UTCTC

Trong giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có triệu chứng gì đặc trưng. Cách tốt nhất là phụ nữ nên theo dõi và thấy các dấu hiệu sau đây diễn ra trong nhiều ngày và ngày một nặng thì hãy đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ khám và chẩn đoán: ra máu âm đạo bất thường (ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh); đau bụng (đau bụng vùng tiểu khung, đau trong khi giao hợp, đau lưng); dịch âm đạo hôi và màu bất thường; cơ thể thường mệt mỏi, suy giảm thể trạng, sụt cân đột ngột và khi phát hiện bất kỳ sự khác thường nào trong thói quen tiểu tiện như tiểu ra máu, đau khi tiểu tiện, đi tiểu ít nhưng nhiều lần, đi tiểu khó, nước tiểu đục ….thì bạn nên đi khám vì đó là dấu hiệu của UTCTC. Ngoài ra cũng cần lưu ý tới các dấu hiệu như táo bón mạn tính và người bệnh luôn có cảm giác mót cầu, muốn đi đại tiện dù ruột không có gì; nhức mỏi xương khớp và đặc biệt hay đau ở xương chậu: vùng lưng, nhất là vùng lưng dưới.

Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung bao gồm:

Giai đoạn sớm: tân sinh trong biểu mô cổ tử cung hoặc ung thư tại chỗ.

Giai đoạn 1B-2A: xâm lấn thân tử cung, âm đạo hoặc vùng quanh cổ tử cung.

Giai đoạn 2B-4A: di căn đến các cơ quan gần như bàng quang, trực tràng.

Giai đoạn 4B: di căn xa tới phổi, não, gan …

Phương pháp điều trị

Ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Hai phương pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc đôi khi phải kết hợp cả hai để tăng thêm hiệu quả điều trị. Cách thức điều trị cụ thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:

Giai đoạn I với u nhỏ hơn 4cm, u còn khu trú hoàn toàn tại cổ tử cung: chỉ cần phẫu thuật hoặc xạ trị đơn thuần, kết quả điều trị tương đương.

Giai đoạn I nhưng u lớn hơn 4cm đến giai đoạn IIB, bệnh đã lan sang các mô cạnh tử cung và 1/3 trên âm đạo: phối hợp xạ trị - hóa trị đồng thời được xem là chọn lựa tối ưu và là bước điều trị đầu tiên.

Giai đoạn III đến giai đoạn IV, bệnh đã lan sang vùng mô cạnh tử cung, xuống 1/3 dưới âm đạo và/hoặc các cơ quan lân cận trong vùng chậu như bàng quang, trực tràng: phẫu thuật rất khó khăn và gần như không thể thực hiện an toàn. Nguy cơ tái phát sau phẫu thuật gần như chắc chắn. Hơn nữa, nguy cơ di căn xa vào các tạng khác như phổi, gan... thường xuyên đe dọa bệnh nhân. Do đó, phải điều trị bằng xạ trị kết hợp hóa trị đồng thời và phải dùng cả hai phương pháp xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Phòng ngừa UTCTC bằng cách nào?

Chủng ngừa HPV: hiện nay, có hai loại thuốc chủng ngừa. Loại thứ nhất ngừa được 2 týp HPV 16 và 18, loại thứ hai ngừa được 4 týp 6,11, 16 và 18. Cả hai loại thuốc chủng này đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc chủng ngừa hiệu quả nhất ở độ tuổi từ 10 - 26, chưa có sinh hoạt tình dục. Cần tiêm 3 liều: liều thứ nhất, liều thứ hai sau đó 2 tháng và liều thứ ba sau liều đầu tiên 6 tháng. Tiêm chủng càng sớm hiệu quả càng cao.

Sàng lọc UTCTC bằng cách phết tế bào cổ tử cung - âm đạo: vì chủng ngừa HPV giúp phòng tránh 70% các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể có những trường hợp hiệu quả tiêm chủng không như mong muốn và còn 30% còn lại không liên quan đến HPV. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất cần thiết đối với chị em phụ nữ. Phương pháp tầm soát rất đơn giản và không gây đau đớn lẫn sang chấn cho người phụ nữ. Phương pháp phết tế bào này cho phép phát hiện những tế bào đã có bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư, những tổn thương này được gọi là tổn thương tiền ung thư.

TS. Vũ Văn Du

Những điều cần biết trước khi đi khám phụ khoa

1. Khám phụ khoa lần đầu tiên

Thông thường, bạn sẽ được khuyên khám phụ khoa khi bước sang tuổi 21, thậm chí khi đó bạn chưa có quan hệ tình dục. Việc này giúp sàng sọc các bệnh phụ khoa. Việc kiểm tra có thể cần thực hiện sớm hơn nếu bạn bị đau vùng chậu, kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài, mất kinh, ngứa hoặc cảm giác nóng rát âm đạo hoặc ra khí hư có mùi.

2. Kiểm tra trong thời kỳ kinh nguyệt

Nếu lần hẹn khám phụ khoa trùng với thời gian đèn đỏ của bạn, hãy sắp xếp lại lịch. Bạn có thể thấy việc đi khám mất vệ sinh và không thoải mái. Khám phụ khoa vào kỳ kinh nguyệt cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung không chính xác. Nhưng nếu bạn đang điều trị IVF (thụ tinh tinh trong ống nghiệm), siêu âm qua đường âm đạo, có thể được khuyến nghị vào ngày thứ 3 của kỳ kinh nguyệt để đánh giá buồng trứng và tử cung.

kham phu khoa

3. Giữ âm đạo sạch sẽ

Bạn không cần phải cạo hoặc tẩy lông khu vực âm đạo trước khi khám phụ khoa nhưng cần giữ vệ sinh sạch sẽ.

4. Chuẩn bị

Liệt kê tất cả những lo lắng và sợ hãi của bạn. Bạn có thể cảm thấy ngượng ngùng khi phải nói chi tiết những chuyện thầm kín, nhưng nhớ rằng bác sĩ sẽ không thể giúp bạn trừ khi bạn thẳng thắn. Hãy cởi mở về tiền sử bệnh và hoạt động tình dục của bạn với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.

5. Thời gian khám

Khám phụ khoa là một kiểm tra đơn giản và không mất quá 5 phút. Bác sĩ phụ khoa sẽ khám âm vật, môi âm hộ và âm đạo. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra bên trong âm đạo, cổ tử cung bằng cách đặt một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo. Bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung, buồng trứng và vòi trứng.

6. Đau

Bạn lo lắng có thể bị đau khi bác sĩ đặt dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để kiểm tra. Thực tế là việc kiểm tra có thể chỉ gây khó chịu một chút chứ không gây đau đớn và bạn hoàn toàn có thể vượt qua cảm giác này.

7. Xét nghiệm kính phết cổ tử cung (Pap smear)

Xét nghiệm kính phết cổ tử cung có thể được thực hiện khi khám phụ khoa. Xét nghiệm này được khuyến khích thực hiện 2 năm 1 lần bắt đầu từ tuổi 21. Xét nghiệm này giúp phát hiện các tình trạng tiền ung thư và ung thư ở cổ tử cung.

8. Siêu âm qua đường âm đạo

Siêu âm qua đường âm đạo được sử dụng để kiểm tra cơ quan sinh sản. Thủ thuật này có thể gây khó chịu nhưng được cho là xét nghiệm tốt hơn trong những ngày đầu thai kỳ.

BS Thu Vân

(Theo THS)

Chưa lấy chồng có nên đặt thuốc âm đạo?

Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyenvan1993@gmail.com)

Nấm Candida albican (còn gọi nấm men) luôn luôn hiện diện trong âm đạo với một số lượng nhỏ và bị lấn át bởi vi khuẩn có lợi của âm đạo (Lactobacillus), nhưng khi tăng sinh quá mức sẽ trở nên gây bệnh. Bệnh thường gặp ở phụ nữ đang tuổi sinh đẻ, dưới sự tác động của oestrogen làm thay đổi các điều kiện của âm đạo, hoặc phụ nữ mang thai (thường là 3 tháng cuối thai kỳ), người mắc bệnh đái tháo đường, điều trị bằng một số loại thuốc (kháng sinh), hoặc dùng viên thuốc ngừa thai; sử dụng quá nhiều xà phòng axit, hoặc sự xuất hiện của yếu tố bên ngoài như độ ẩm quá mức; cách vệ sinh không đúng làm lây nấm từ hậu môn sang âm đạo. Việc xác định nhiễm nấm không khó, chỉ cần soi tươi dịch âm đạo trên kính hiển vi sẽ thấy các sợi nấm.

Trường hợp của em nếu không muốn đặt thuốc chống nấm qua đường âm đạo (vì lý do chưa có chồng), em có thể rửa sạch vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ có bán tại hiệu thuốc, thay đồ lót nhiều lần trong ngày, nếu ngứa nhiều có thể bôi kem chống nấm tại chỗ da ngứa. Nếu đã thực hiện như trên 3-5 ngày mà không đỡ cần đi khám phụ khoa để tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

BS. Nguyễn Kim Dung

Bà bầu: Cảnh giác thừa canxi, nếu bổ sung không đúng

Tôi đang mang thai tháng thứ 6. Tôi rất muốn bổ sung canxi để cho con sau này được cao lớn và mẹ không bị loãng xương. Ngoài việc uống thuốc bổ sung canxi tôi còn dùng thêm sữa, bánh quy (có tăng cường canxi). Vậy tôi dùng như vậy có sợ thừa canxi không?

Nguyễn Thị Thúy(Lạng Sơn)

Trong thời gian mang thai, nhu cầu canxi của người mẹ tăng cao, vì vậy bà bầu cần chú ý bổ sung canxi cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng canxi từ người mẹ để tạo xương cho sự lớn lên. Vì vậy, thai phụ nên bổ sung canxi. Nhu cầu canxi ở thai phụ tăng lên theo thời gian, quý I khoảng 800mg/ngày, quý II của thai kỳ khoảng 1.000mg, quý III là 1.500mg do hệ xương của bé ngày càng phát triển nên nhu cầu canxi của mẹ cũng tăng dần. Chị đang ở quý II của thai kỳ nên cần khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày. Song việc bổ sung canxi cần theo chỉ định của bác sĩ và được bác sĩ theo dõi trong suốt thai kỳ, không tự ý bổ sung bằng thuốc có chứa canxi, lợi bất cập hại.

Ngoài ra, hiện nay các nhà sản xuất thường cho canxi vào các chế phẩm cho bà bầu như sữa, bánh quy, thực phẩm chức năng... Vì vậy, nhiều bà bầu ngoài bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ còn dùng thêm nhiều loại sữa, bánh kẹo, thực phẩm chức năng giàu canxi... mà không lường hết được hậu quả do thừa canxi gây ra. Nếu thừa canxi, thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi mẹ bị thừa canxi, bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận.

Vì vậy chị cần nhớ, thừa và thiếu canxi đều rất có hại cho cả mẹ và thai nhi, do đó, ngoài việc bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ, chị cần thông báo cho bác sĩ các loại thực phẩm chức năng có chứa canxi mà chị đang dùng hàng ngày để bác sĩ tính toán xem có cần thiết giảm liều thuốc chứa canxi bổ sung. Ngoài ra, chị cũng cần lưu ý là thiếu vitamin D cơ thể khó hấp thu canxi vì vậy cần tăng cường vitamin D để hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi.

BS. Bảo Thư

Chị em vệ sinh ngay sau khi `yêu` rất dễ nhiễm trùng đường tiểu

Quan hệ tình dục

Nhiều phụ nữ có thể bị UTI sau khi quan hệ tình dục vì hoạt động này có thể mang vi khuẩn từ ruột hoặc âm đạo tới niệu đạo. Để giảm nguy cơ bị UTI, hãy đi tiểu trong vòng 30 phút sau khi quan hệ. Các chuyên gia cũng cho rằng không nên làm theo lời khuyên phổ biến rằng phụ nữ nên vệ sinh vùng kín ngay trước và sau khi quan hệ. Điều này trên thực tế sẽ làm thay đổi quần thể vi khuẩn và làm tăng nguy cơ UTI.

Táo bón

Táo bón có thể khiến việc làm rỗng bàng quang trở nên khó khăn, nghĩa là vi khuẩn mắc kẹt ở đó lâu hơn và có thể gây nhiễm trùng. Ngược lại, tiêu chảy cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc UTI vì vi khuẩn từ phân lỏng có thể dễ xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo. Vì vậy, sau khi đi vệ sinh, cần lau từ trước ra sau, nhất là sau khi đi đại tiện.

nhiem trung duong tieu

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát

Khi đường huyết tăng cao, đường dư thừa bị đào thải qua nước tiểu. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển quá mức và tạo ra một tình huống bất lợi cho bạn.

Nhịn tiểu

Nhịn tiểu trong ít nhất 6 giờ có thể khiến bạn mắc UTI vì vi khuẩn trong bàng quang có nhiều thời gian để phát triển giữa các lần tiểu tiện. Vì vậy, hãy hạn chế nhịn tiểu để tránh nguy cơ này.

Mất nước

Uống nhiều nước không chỉ giải cơn khát của bạn mà còn giúp phòng ngừa mắc UTI trong những tháng hè nóng bức. Khi bạn uống nhiều nước, cơ thể sẽ loại bỏ được những vi khuẩn có thể gây UTI.

Phòng tránh thai

Nếu bạn phòng tránh thai, sự thay đổi hormone có thể dẫn tới những thay đổi vi khuẩn bình thường trong âm đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm UTI. Sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sản phẩm vệ sinh nữ

Băng vệ sinh bẩn là nơi vi khuẩn phát triển rầm rộ. Vì vậy, cần thay băng vệ sinh thường xuyên để phòng nhiễm trùng trong thời kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn đồ lót một cách khôn ngoan. Luôn dùng quần lót cotton để ngăn ngừa độ ẩm quá mức tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Sỏi thận

Sự tích tụ khoáng chất cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu vì chúng có thể làm tắc nghẽn đường tiểu và tích tụ nước tiểu, khiến vi khuẩn có nhiều thời gian để phát triển.

BS Thu Vân

(Theo Prevention)