Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Băn khoăn... ối ít

Chiều qua, có bệnh nhân khám thai than thở “Mấy hôm nay trời nóng quá - em không uống nhiều nước không biết con em có thiếu nước ối không?”. Rồi run rủi thế nào mà nước ối nó ít thiệt. Lòng chẳng mấy an vì dự đoán sắp có status kiểu “em khám thai tại BV X - bác sĩ nói tại em ít uống nước mà nước ối của em sắp cạn rồi”, rồi thì sẽ có những “cơn sốt” trong thế giới của những bà mẹ mang thai. Chẳng may thêm ai đó giật tít “Đừng vì mẹ uống nước ít mà con bị cạn nước ối” thì còn rối nữa. Sự thật ít ối hay nhiều ối ảnh hưởng tới thai nhi thế nào?

Bình thường, thể tích nước ối khoảng 1 lít lúc thai khoảng 36 tuần, giảm khoảng 100 - 200ml trước sinh. Trong một vài trường hợp, thể tích giảm nhiều so với lượng trung bình này, đôi khi chỉ còn 5-10ml thôi, trong trường hợp này được gọi là thiểu ối. Rất ít khi một thai kỳ bình thường bị giảm ối sớm, nếu có thì “không mấy vui”. Nếu giảm trước sinh 1-2 tuần thì bớt lo ngại hơn.

Nước ối giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển thai nhi.

Bác sĩ làm sao biết nước ối đủ hay không?

Biết chứ - đo bằng siêu âm. Trong siêu âm có một phần bắt buộc phải đo là chỉ số ối (hay được ghi tắt là AFI - amniotic fluid index). Để đo chỉ số này, bác sĩ chia cái bụng của mẹ bầu ra làm bốn phần bằng một đường ngang và một đường dọc giữa, đó khoang ối của bốn phần này cộng lại nó ra AFI (nói vậy chứ cũng khó đo lắm, vì chọn chỗ đó cho đúng mới được). Thai 16 - 41 tuần, bình thường AFI khoảng chừng 12-16, đây là trị số trung bình.

Nước ối giảm hay ít khi thai còn nhỏ

Trường hợp này lo ngại nhiều cho thai, vì chỉ có khoảng 1/2 trường hợp là phát triển đủ đến trưởng thành. Bác sĩ sẽ tìm xem thai có dị tật hệ tiết niệu hay thai có thận hay không. Không gian quanh bé quá chật chội đôi khi làm hệ xương bị biến dạng. Nếu thấy ra dịch âm đạo nhiều, bất thường, bạn phải báo cho bác sĩ khám thai vì có thể bị rỉ ối làm ối cứ giảm dần giảm dần.

Uống nước đầy đủ khi mang thai là cần thiết để đảm bảo sức khỏe mẹ bầu.

Một số bất thường liên quan thiểu ối:

Từ phía thai: bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển, rỉ ối...

Từ bánh nhau: nhau bong, hội chứng truyền máu song thai.

Từ mẹ: tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường.

Từ thuốc: ức chế tổng hợp prostaglandin, ức chế men chuyển (trong điều trị tăng huyết áp).

Và... vô căn (tức là không biết tại sao).

Một số dị tật bẩm sinh liên quan đến thiểu ối: Hội chứng dải sợi ối; Dị tật tim: tứ chứng Fallot, thông liên thất; Bất thường nhiễm sắc thể: tam nhiễm 18, hội chứng Turner; Loạn sản ổ nhớp; Bệnh lý bẩm sinh hệ niệu: bất sản thận, loạn sản thận,... Nhược giáp; Hội chứng truyền máu song thai; Con nhiều nữa, nhưng hiếm hơn các bệnh lý kể trên nhiều lắm, dù mấy thứ kể trên cũng khá ít gặp rồi.

Nước ối giảm sau 34 tuần: Khi AFI dưới 5 ở tuổi thai này, bạn cần được kiểm tra tim thai thường xuyên. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ khám thai của mình về khả năng mổ lấy thai sớm hơn dự định.

Điều trị ối ít như thế nào?

Thật sự - rất đáng buồn - là không thể làm gì. Nếu tìm ra bất thường của bé, tùy trường hợp cụ thể mà xử trí. Chỉ duy nhất một bài mình đọc được là “truyền dịch” nhưng truyền trong lúc chuyển dạ để tránh chèn ép dây rốn. Còn lại, trong thai kỳ, truyền vào buồng ối lại kèm nguy cơ nhiễm trùng, vỡ ối, sinh non nên hầu như không thấy áp dụng.

Thiệt là không muốn hù doạ bạn đâu, nhưng nếu chẳng may bác sĩ nói “ối ít quá” thì dành đôi ba giây hít thở, sau đó cùng tìm nguyên nhân có thể. Uống nước là “tâm lý liệu pháp” thôi tại vì vài giờ sau nước được đào thải qua đường tiểu rồi. Nhưng với thời tiết thế này, cũng cần uống nhiều nước, tại vì mất nước là mình đã không khỏe rồi, mệt mỏi, bực dọc, rồi bác sĩ nói đông nghe tây, rồi than vãn với anh facebook, rồi ai cũng “lên cơn sốt”...

Chúc một ngày hè mát lòng mát dạ!

BS. Lê Tiểu My (BV Mỹ Đức)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét